KỶ NIỆM 89 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG DÂN QUÂN TỰ VỆ (28/3/1935 - 28/3/2024) . Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

Thời gian khóa học đại học, cao đẳng được quy định như thế nào để quản lý gọi nhập ngũ?

Thời gian khóa học đại học, cao đẳng được quy định như thế nào để quản lý gọi nhập ngũ

    Thời gian khóa học đại học, cao đẳng được quy định như thế nào để quản lý gọi nhập ngũ?

     

    Ảnh minh họa

    dqtv.vn - Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022, với nội dung: “Cử tri đề nghị Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời gian cho một khóa học của một trình độ đào tạo (ví dụ: Hệ đại học là 4 năm, 5 năm; hệ cao đẳng là 3 năm...) để địa phương đăng ký và theo dõi chặt chẽ các đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ”.

    Ngày 13/01/2023, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:

    1. Điểm g khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với công dân như sau: “Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo”. Vì vậy, các địa phương nắm rõ thời gian cho một khóa học của một trình độ đào tạo để tạm hoãn nhập ngũ đối với công dân là cần thiết.

    2. Về thời gian đào tạo đại học, cao đẳng như sau:

    a) Tại khoản 1 Điều 35 Luật Giáo dục đại học năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định: “Thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo. Số lượng tín chỉ cần tích lũy đối với mỗi trình độ được quy định trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam”; khoản 1 Điều 35 của Luật này quy định: “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo phù hợp với quy định của pháp luật”.

    b) Khoản 3 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định: “Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông”; khoản 2 Điều 34 của Luật này quy định: “Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn và phê duyệt chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp”.

    c) Khung trình độ quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 quy định về khối lượng học tập của các trình độ đào tạo như sau:

    - Đối với trình độ đại học (Bậc 6) yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ.    

    - Đối với trình độ cao đẳng (Bậc 5) yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ.

    Như vậy, theo luật, thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo. Trong khi đó, Khung trình độ quốc gia Việt Nam chỉ quy định số lượng tín chỉ tối thiểu; số tín chỉ cụ thể cho từng ngành, trình độ đào tạo do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học hoặc thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định. Vì vậy, tuy cùng một trình độ đào tạo, nhưng ở cơ sở đào tạo khác nhau, ngành đào tạo khác nhau thì số lượng tín chỉ có thể khác nhau và thời gian đào tạo cũng khác nhau.

    d) Tại khoản 3, khoản 4 Điều 2 Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy định thời gian đào tạo tiêu chuẩn của các trình độ nhự sau:

    - “Chương trình đào tạo đại học có thời gian tương đương 3 đến 5 năm học tập trung đối với người tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

    - “Chương trình đào tạo cao đẳng có khối lượng học tập tương đương 2 đến 3 năm học tập trung tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 1 đến 2 năm học tập trung đối với người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc đã học và thi đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

    đ) Tại khoản 5 Điều 2 Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học, quy định “Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo”. Tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ quy định: “Thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình bao gồm thời gian học các môn học, mô-đun và thời gian thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp do hiệu trưởng quyết định, bảo đảm không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ hai đến ba năm học, không vượt quá 02 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới hai năm học”.

    Như vậy, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chỉ quy định thời gian đào tạo tiêu chuẩn của các trình độ; còn thời gian đào tạo cụ thể cho một khóa học của một trình độ đào tạo do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học hoặc thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định; theo quy định tại các văn bản trên, thời gian đào tạo trình độ đại học tối đa từ 06 đến 10 năm, thời gian đào tạo trình độ cao đẳng tối đa từ 03 đến 4,5 năm đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc từ 02 đến 04 năm đối với người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    3. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học, cao đẳng

    - Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Giáo dục đại học năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp Chính phủ quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, có trách nhiệm quy định chuẩn chương trình đào tạo.

    - Theo quy định tại Điều 71 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Chính phủ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

    Vì vậy, việc xác định thời gian cho 1 khóa học trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 khóa học trình độ cao đẳng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện.

    Trên đây là ý kiến của Bộ Quốc phòng đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên để trả lời cử tri.

    Nội dung chính

      Tin mới