KỶ NIỆM 89 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG DÂN QUÂN TỰ VỆ (28/3/1935 - 28/3/2024) . Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

Hướng dẫn xử lý kỷ luật Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

Hướng dẫn xử lý kỷ luật Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

     Bộ Quốc phòng trả lời cử tri tỉnh Cà Mau về hướng dẫn xử lý kỷ luật Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

    ảnh minh họa

    Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021, nội dung (câu số 119):

    “- Theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức: Công chức lãnh đạo, quản lý có các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

    - Theo quy định tại Thông tư số 75/2020/TT-BQP ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với Dân quân tự vệ: Đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, tước danh hiệu Dân quân tự vệ.

    - Theo quy định tại Thông tư số 75/2020/TT-BQP ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau khi họp kiểm điểm đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã tại UBND xã (trường hợp đã bị kỷ luật Đảng) thì UBND xã báo cáo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện đề xuất Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định thi hành kỷ luật hình thức giáng chức, cách chức.

    Tuy nhiên, việc Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện đề xuất Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định kỷ luật đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã là khó khăn và chưa đúng quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP. Cử tri kiến nghị hướng dẫn việc thực hiện thống nhất trong xử lý kỷ luật đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã giữa 02 văn bản nêu trên”.

    Ngày 04/12/2021, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:

    1. Tại mục d khoản 3 Điều 28 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là Nghị định số 112/2020/NĐ-CP) quy định:

    “d) 01 Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo phòng chuyên môn cấp huyện trực tiếp quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của công chức cấp xã bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đại diện lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trong trường hợp công chức vi phạm là Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã, đại diện lãnh đạo Công an huyện trong trường hợp công chức vi phạm là trưởng công an xã”.

    Như vậy, khi xử lý kỷ luật Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật thì Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện là thành viên.

    2. Tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định:

    “3. Các trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật

    a) Đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất hình thức kỷ luật.

    b) Đã có quyết định xử lý kỷ luật đảng”.

    Như vậy, trường họp cử tri nêu, đã bị xử lý kỷ luật về Đảng nên không thành lập Hội đồng kỷ luật.

    3. Do không thành lập Hội đồng kỷ luật, để xử lý kỷ luật đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã bảo đảm đúng quy trình, chặt chẽ thì việc Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện đề xuất với chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kỷ luật là phù hợp với quy định của pháp luật vì:

    - Tại Điều 18 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định hệ thống chỉ huy Dân quân tự vệ, theo đó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cấp dưới và chịu sự chỉ huy trực tiếp của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.

    - Tại Điều 20 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định như sau:

    “1. Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã. Thành phần Ban chỉ huy quân sự cấp xã bao gồm:

    a) Chỉ huy trưởng là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã;...”.

    - Tại khoản 3 Điều 12 Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 quy định việc đăng ký, quản lý quân nhân dự bị như sau:

    “3. Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức trên địa bàn”.

    Như vậy, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan dự bị chịu sự quản lý của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.

    - Đối với nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện là cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện vừa quản lý, vừa là chỉ huy cấp trên trực tiếp đồng thời chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương đối với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã.

    4. Nghị định số 112/2020/NĐ-CP và Thông tư số 75/2020/TT-BQP ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với Dân quân tự vệ (sau đây gọi chung là Thông tư số 75/2020/TT-BQP) đã thống nhất về thẩm quyền trong xử lý kỷ luật đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã:


    - Tại khoản 1,2 Điều 24 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định:

    “1. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

    2....Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật”.

    - Tại khoản 7 Điều 35 Thông tư số 75/2020/TT-BQP quy định:

    “7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kỷ luật giáng chức, cách chức đối với các chức vụ Chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện”.

    Từ những lý do nêu trên, để xử lý kỷ luật đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã (trường hợp đã bị kỷ luật Đảng) thì Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện đề xuất Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kỷ luật là phù hợp với quy định của pháp luật.

    Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn thực hiện thống nhất trong xử lý kỷ luật đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

    Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ Quốc phòng đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để trả lời cử tri.


    Theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng

    Nội dung chính

      Tin mới