KỶ NIỆM 89 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG DÂN QUÂN TỰ VỆ (28/3/1935 - 28/3/2024) . Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

3 năm liền không đủ tiêu chuẩn khám nghĩa vụ quân sự có phải khám tiếp nữa không ?

Bộ Quốc phòng trả lời cử tri tỉnh An Giang về đề nghị không khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự với người có 3 năm liên tục không đủ tiêu chuẩn

     Bộ Quốc phòng trả lời cử tri tỉnh An Giang về đề nghị không khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự với người có 3 năm liên tục không đủ tiêu chuẩn




    Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 368/BDN ngày 29/10/2020, với nội dung: “Việc khám sức khỏe cho thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự, cử tri đề nghị không khám đối với người không đủ tiêu chuẩn 03 năm liên tục để mất thời gian, tiền bạc và tạo điều kiện tập trung cho học tập, lao động, sản xuất” (câu số 12).


    Ngày 10/12/2020, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:

    Việc đánh giá phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự (NVQS) trong tuyển quân hằng năm được tiến hành theo hai bước “sơ tuyển tại cấp xã, khám tuyển tại cấp huyện” theo quy định tại Luật NVQS năm 2015; Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe thực hiện NVQS; Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ và Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Liên Bộ: Y tế-Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (sau đây gọi tắt là Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP); theo đó, Hội đồng Khám sức khỏe cấp huyện tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Hội đồng NVQS cùng cấp về kết quả khám sức khỏe thực hiện NVQS hằng năm.


    Quy trình, nội dung, các bước sơ tuyển, khám tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP; theo đó, để đánh giá, phân loại chính xác sức khỏe thực hiện NVQS, công dân phải được khám qua các phòng khám chuyên khoa, có nội dung phải khám cận lâm sàng để bảo đảm đánh giá chính xác. Hiện nay, tùy từng điều kiện của địa phương để tổ chức các phòng khám (khám Thể lực; đo Mạch, Huyết áp; Thị lực, mắt; Thính lực, Tai, Mũi-Họng; Răng-Hàm-Mặt; Nội, Tâm thần kinh; Ngoại khoa, Da liễu; Xét nghiệm và Phòng Kết luận). Nội dung khám tuyển gồm hai phần chính: Thể lực và bệnh tật; việc đánh giá, kết luận phân loại sức khỏe của cá nhân phải qua đầy đủ các bước theo quy trình khám tuyển; kết quả phân loại có thể thay đổi theo thời gian từng năm (Phiếu sức khỏe có giá trị không quá 06 tháng, quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 11 Thông tư 16/2016/TTLT-BYT-BQP). Mặt khác, tuổi thanh niên đang phát triển; vì vậy, sức khỏe và thể lực thay đổi theo từng năm đến ngoài 20 tuổi. Thực tế, một số công dân trong thời điểm khám tuyển mắc bệnh lý cấp tính, không trúng tuyển, nhưng có thể khỏi bệnh hoàn toàn sau khi điều trị và lần sau khám có thể trúng tuyển; nhưng có công dân do mắc bệnh tật bẩm sinh, chỉ qua 01 lần khám tuyển, Hội đồng khám sức khỏe có thể kết luận không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ và không gọi khám các năm tiếp theo.


    Như vậy, căn cứ từng trường hợp cụ thể, Hội đồng khám sức khỏe NVQS đánh giá, báo cáo Hội đồng NVQS xem xét, đề xuất gọi hay không gọi khám sức khỏe NVQS những năm tiếp theo là phù hợp. Tuy nhiên, để công tác khám tuyển bảo đảm chính xác, chặt chẽ, công bằng, tránh tiêu cực: Hằng năm, Bộ Quốc phòng giao cơ quan chức năng chỉ đạo, hướng dẫn địa phương làm tốt công tác phối hợp trong khám tuyển sức khỏe NVQS; quá trình sơ tuyển, khám sức khỏe NVQS tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật; làm tốt công tác đăng ký, thống kê theo dõi, đối chiếu, rà soát hằng năm, trong đó có danh sách công dân không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, lý do không đủ sức khỏe của năm trước, nắm tiền sử gia đình công dân; thực hiện cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong khám tuyển; hạn chế ảnh hưởng đến thời gian và công việc của công dân; đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm công tác khám tuyển để công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS tại các địa phương bảo đảm đúng quy định, chất lượng, hiệu quả hơn.


    Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Quốc phòng đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để trả lời cử tri.


    Theo CTTĐT BQP

    Nội dung chính

      Tin mới